Donhoavn

Donhoavn

Xác định được mối nguy hại của thuốc lá ảnh hưởng tới sức khỏe con người và môi trường làm việc nơi công sở, những năm qua Bệnh viện Phục hồi chức năng Lâm Đồng quyết tâm thực hiện phong trào “Nói không với thuốc lá”, xây dựng môi trường bệnh viện không khói thuốc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Ngay từ đầu năm, Bệnh viện Phục hồi chức năng Lâm Đồng đã triển khai kế hoạch, cam kết thi đua thực hiện xây dựng môi trường không khói thuốc lá, thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá tại bệnh viện, triển khai   quy định đến cán bộ, nhân viên, bệnh nhân trong bệnh viện và lồng ghép các nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá trong cuộc họp của các khoa, phòng. Tổ chức cho 100% cán bộ, nhân viên đăng ký thực hiện không hút thuốc lá, các khoa, phòng cam kết xây dựng “Cơ sở y tế không hút thuốc lá”, đồng thời đưa nội dung này vào quy chế cơ quan để làm cơ sở bình xét thi đua hàng năm. Bên cạnh đó đơn vị tiếp tục tăng cường vận động bệnh nhân, thân nhân người bệnh   không hút thuốc lá trong khuôn viên bệnh viện. Sau một thời gian triển khai, ý thức tự giác của cán bộ, nhân viên và người nhà bệnh nhân tăng lên rõ rệt: 90% cán bộ, nhân viên bệnh viện không hút thuốc lá tại các khoa, phòng và trong khuôn viên bệnh viện; Tại các phòng chờ khám, các phòng điều trị, tình trạng hút thuốc lá của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đã giảm hẳn.

 

 

“Cấm hút thuốc lá trong khuôn viên Bệnh viên”

 

Bà Trịnh Thị Lập - Chủ tịch Công đoàn cơ sở bệnh viện cho biết thêm: Thời gian tới, công đoàn cơ sở tiếp tục phối hợp với chính quyền đẩy mạnh phong trào xây dựng “Môi trường không khói thuốc” tại tất cả các khoa, phòng. Đặc biệt, các y, bác sĩ còn chịu trách nhiệm tư vấn về các phương pháp cai nghiện thuốc lá cho người bệnh, người nhà bệnh nhân và cộng đồng, kết hợp lồng ghép các nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào các hoạt động truyền thông, nâng cao sức khỏe cho mọi người, giúp người bệnh có thêm động lực bỏ thuốc lá.

Ths Bác sĩ Phạm Thị Vân Anh - Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Lâm Đồng cho biết: Hút thuốc lá đang là một trong những nguyên nhân chính của nhiều căn bệnh nguy hiểm, như: Ung thư phổi, bệnh tim mạch ở người lớn. Trên thế giới hàng năm có khoảng 4 triệu người chết vì các bệnh có liên quan tới hút thuốc lá. Tỷ lệ hút thuốc lá ở đàn ông Việt Nam khá cao với hơn 50%. Khói thuốc lá gây nguy hiểm cho cả người hút thuốc và những người thường xuyên hít phải khói thuốc, bởi trong thuốc lá có đến hơn 7 ngàn chất độc, trong đó có ít chất  40 chất độc gây bệnh ung thư. Do vậy, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá được bệnh viện quan tâm thực hiện từ nhiều năm nay: Phân công nhiệm vụ cho từng khoa, phòng, phối hợp với công đoàn, đoàn thanh niên tổ chức phát động và duy trì phong trào thi đua “Thực hiện toàn diện không khói thuốc trong bệnh viện”. Chỉ đạo tổ truyền thông của bệnh viện triển khai công tác tuyên truyền nội dung của Luật phòng, chống tác hại thuốc lá đến 100% cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện để nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ sức khỏe cho bản thân cũng như cho bệnh nhân và mọi người xung quanh. Lồng ghép các nội dung này trong các cuộc họp của các khoa, phòng, tăng cường phổ biến các nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá trên hệ thống loa truyền thanh của bệnh viện, tại các khu vực đông người qua lại và khu vực chờ khám chữa bệnh ở tất cả các khoa cũng như các phòng bệnh nhân tại khu điều trị đều được gắn biển cấm hút thuốc. Thời gian tới, bệnh viện tiếp tục duy trì và phát huy kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá để xây dựng bệnh viện không khói thuốc lá; Tiếp tục xây dựng môi trường không khói thuốc và triển khai Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

 

“Xây dựng môi trường bệnh viện không khói thuốc lá”

 Với những nỗ lực của bệnh viện và sự hợp tác của bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân, giờ đây vào bệnh viện, nhiều người đã không còn phải khó chịu khi hít phải khói thuốc lá từ người khác. Cũng nhờ ý thức này, môi trường tại bệnh viện đã trong sạch hơn nhờ không còn khói thuốc lá.

Hướng tới mục tiêu xây dựng bệnh viện không khói thuốc lá, thời gian tới bệnh viện Phục hồi chức năng Lâm Đồng sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động  truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá cho đội ngũ cán bộ trong đơn vị cũng như bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, phấn đấu xây dựng mô hình bệnh viện không khói thuốc lá. Tuy nhiên, để đạt được điều này, ngoài sự quyết liệt, nỗ lực của bệnh viện còn rất cần người dân khi đến khám bệnh hay đến thăm hoặc chăm sóc bệnh nhân nêu cao ý thức chấp hành pháp luật không hút thuốc lá để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh.

Hy vọng hiệu quả phong trào "Bệnh viện không khói thuốc lá" mà bệnh viện Phục hồi chức năng Lâm Đồng thực hiện sẽ nhanh chóng lan tỏa, giúp người dân tự ý thức bảo vệ sức khỏe bằng cách tránh xa thuốc lá.

 

Thái Tuyền (CDC Lâm Đồng) - Nguyễn Vy (Bệnh viện Phục hồi chức năng Lâm Đồng)

Ngày 24/02/2023 Bệnh viện Phục hồi chức năng tổ chức tọa đàm thực hiện quy tắc ứng xử  của nhân viên y tế kỷ niệm 68 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam.

          Tại buổi tọa đàm, Đồng chí Phạm Thị Vân Anh, Bí thư Chi bộ, Giám đốc bệnh viện PHCN  đã ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang 68 năm của ngành Y tế, ý nghĩa và sự ra đời ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/02, sự hình thành và phát triển của Bệnh viện, trong đó, nêu bật những thành tích đã đạt được trong năm 2022.

            Đây là sự kiện quan trọng với ngành y,  không chỉ là ngày truyền thống của ngành mà còn là cơ hội để gặp gỡ, trò chuyện với những  người đồng nghiệp, ôn lại kỷ niệm trong không khí phấn khởi của toàn Đảng toàn dân mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng quang vinh, mừng xuân Quý  Mão và hướng tới Kỷ niệm 68 năm ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2023).

   

Ngày 22/12/2022, Công đoàn Cơ sở Bệnh viện Phục Hồi chức năng tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Đại hội Công đoàn nhiệm kỳ 2023 -2028.

Dự đại hội, Về phía Công đoàn ngành y tế Lâm Đồng có Đồng chí Mai Thị Hồng Khánh  - Chủ tịch Công đoàn ngành, Đồng chí Phạm Ngọc Tiến – CNUBKT, Ủy viên thường vụ. Về phía Bệnh viện PHCN, dự đại hội có Đồng chí Phạm Thị Vân Anh  - Bí thư chi bộ, Giám Đốc Bệnh viện; cùng 73 đại biểu là đoàn viên, công đoàn công tác tại các khoa phòng trong toàn viện.

Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội gồm: đồng chí Trịnh Thị Lập - Chủ tịch Công đoàn, đồng chí  Nguyễn Thị Minh Soa - Ủy viên Ban Chấp hành, Đồng chí Nguyễn Ngọc Quỳnh Nương - Ủy viên Ban Chấp hành, nhiệm kỳ 2017 - 2022.

Tại Đại hội, đã có báo cáo tổng kết hoạt động Công đoàn nhiệm kỳ 2017-2022 và phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2023-2028.

Với tinh thần đổi mới, dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm, Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở bệnh viện nhiệm kỳ 2023 - 2028 với 5 đồng chí; bầu đoàn đại biểu dự Đại hội cấp trên 4 đồng chí, 1 đồng chí dự khuyết.

Nhiệm kỳ 2023 - 2028 có ý nghĩa hết sức quan trọng, đó là những năm tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XIII; trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của bệnh viện, kế hoạch công tác của LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng, Công đoàn Ngành Y tế. BCH-CĐ bệnh viện PHCN tiếp tục phát huy thành quả đã đạt được, xây dựng Công đoàn cơ sở nhiệm kỳ mới với phương châm “Đổi mới, dân chủ, đoàn kết, phát triển”. Toàn thể đoàn viên, công đoàn cơ sở bệnh viện giữ vững kỷ cương, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Công đoàn cơ sở nhiệm kỳ 2023-2028 đề ra, góp phần cùng bệnh viện và Ngành Y tế Lâm Đồng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới.

 

Ngày 08/3/2023, Chính quyền phối hợp với công đoàn Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Lâm Đồng tổ chức buổi Tọa Đàm kỷ niệm 113 năm Ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 – 08/3/2023) và kỷ niệm 10 năm ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3/2013 - 20/3/2023). Qua buổi Tọa Đàm tạo không khí vui tươi, phấn khởi, chăm sóc tốt đời sống tinh thần cho viên chức, người lao động bệnh viện, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ của đơn vị.

 

Thứ tư, 12 Tháng 10 2022 01:14

Bài tập TL103 cho người đau thắt lưng

“Để dự phòng đau thắt lưng và dự phòng tái phát đau thắt lưng thì tập luyện các bài tập thường xuyên là biện pháp tốt hơn mọi loại thuốc có trên thế giới”

Các bài tập cột sống thắt lưng được áp dụng cho các bệnh nhân đau thắt lưng mạn tính hoặc để dự phòng đau thắt lưng tái phát. Có bài tập có tác dụng làm giãn cột sống, tác dụng tương tự như kéo giãn cột sống thắt lưng. Có bài tập làm mạnh các cơ thành bụng và khối cơ lưng, giúp giữ vững cột sống thắt lưng. Các bài tập đều có tác dụng tăng cường dinh dưỡng cho đĩa đệm, phục hồi chức năng vận động của cột sống. Cần tập hàng ngày, mỗi ngày một đến hai lần, mỗi lần 30 phút, mỗi tuần ít nhất năm ngày. Với người đau thắt lưng cần tập một đợt ít nhất hai tháng. Một người tập luyện đều đặn sẽ duy trì được một cột sống trẻ lâu, chậm thoái hóa đĩa đệm, khả năng chịu đựng lực trọng tải của cột sống tốt hơn, các động tác trở nên thuần thục, có khả năng tránh được các tổn thương do các chấn thương hoặc các động tác sai tư thế đến bất ngờ trong lao động hoặc sinh hoạt. Những người do nghề nghiệp phải ngồi lâu một tư thế, đứng lâu, ít vận động thì tập luyện hàng ngày là biện pháp tốt nhất, hợp với sinh lý nhất để có một cột sống khỏe mạnh, dẻo dai. Với những người cao tuổi, phụ nữ sau mạn kinh, tập luyện còn làm giảm được bệnh lý loãng xương.

Nghiên cứu 160 người bị đau thắt lưng do thoái hóa cột sống thắt lưng, chúng tôi đã xây dựng một chương trình tập cho người đau thắt lưng đặt tên là TL103, các bài tập được chắt lọc và kiểm chứng qua kết quả nghiên cứu tại khoa Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng (Bệnh viện 103) và đã được phổ biến rộng rãi trên báo Sức khỏe và đời sống (Bộ Y tế) và được chia sẻ trên các trang mạng. Các phản hồi từ những người kiên trì tập luyện là rất tốt. Chương trình tập đã giúp họ giảm và hết được đau thắt lưng một thời gian dài nhiều năm. Xin giới thiệu cùng các bạn.

Nguyên tắc khi tập luyện:

+ Cần tập khởi động nhẹ nhàng trước khi thực hiện bài tập như chạy tại chỗ, tập vài động tác thể dục buổi sáng.

+ Khi áp dụng một bài tập nào đó thì trong quá trình tập cũng như sau tập, người bệnh phải cảm thấy dễ chịu, không đau tăng. Nếu thấy đau tăng cần điều chỉnh lại kỹ thuật của bài tập, có thể do vận động nhanh, đột ngột hoặc vận động quá tầm có thể chịu đựng. Nếu sau điều chỉnh vẫn thấy đau tăng cần ngừng bài tập đó.

+ Các động tác trong bài tập cần được làm từ từ, không được làm nhanh, mạnh hay đột ngột. Tập theo những giới hạn mà cơ thể người tập có thể làm được. Nếu không làm được đầy đủ một động tác thì làm một nửa hoặc ít hơn, rồi tăng dần.

+ Một lần tập nên kéo dài 30 phút đến một giờ, kể cả thời gian thư giãn. Kết thúc buổi tập cần thư giãn ít nhất 10 phút ở tư thế nằm thoải mái hoặc lặp lại các động tác khởi động như trước buổi tập. Tập hàng ngày, mỗi ngày một đến hai lần, một tuần ít nhất tập năm ngày, một đợt ít nhất hai tháng.

1. Các bài tập có tác dụng làm giãn cột sống và làm mạnh khối cơ lưng
1.1. Các bài tập ở tư thế nằm

Bài tập 1 (con châu chấu)

 

Người tập nằm sấp trên sàn, mặt nghiêng về một bên, hai tay xuôi theo người, bàn tay úp xuống mặt sàn, hai chân khép, thở đều.

+ Từ từ hít vào và nâng chân phải lên trong khi chân phải vẫn giữ thẳng, nâng càng cao càng tốt. Chân trái vẫn duỗi thẳng và sát mặt sàn, cột sống lưng hơi ưỡn về phía trước. Thời gian từ lúc bắt đầu nâng chân đến khi nâng tối đa khoảng khoảng 5 giây.

+ Nín thở và giữ ở tư thế này khoảng 5 giây.

+ Từ từ thở ra và hạ chân phải xuống mặt sàn, động tác này kéo dài khoảng 5 giây.

Nghỉ khoảng 5 giây, thở đều rồi làm lại động tác trên với chân trái. Mỗi động tác làm 5 lần luân phiên chân phải rồi chân trái, tổng cộng 10 lần.

Bài tập 2 (con bò cạp)

 

Tư thế nằm sấp như bài tập 1.

+ Hai chân khép, từ từ hít vào và nâng hai chân lên khỏi mặt giường càng cao càng tốt, hai chân vẫn thẳng, bàn và ngón chân duỗi, cột sống thắt lưng cong ưỡn về phía trước. Thời gian làm động tác này khoảng 5 giây.

+ Nín thở và giữ ở tư thế này khoảng 5 giây.

+ Từ từ thở ra và hạ hai chân xuống sát mặt sàn, thời gian làm động tác này khoảng 5 giây.

+ Nằm thư giãn 10 giây, thở đều rồi làm lại động tác trên 10 lần.

Bài tập 3 (rắn chào mặt trời)

 

Nằm sấp trên sàn, hai bàn tay úp sấp đặt trên sàn ngang hai vai. Hai khuỷu tay co và khép sát người, hai chân duỗi thẳng, đặt cằm trên sàn nhìn thẳng về phía trước.

+ Từ từ hít vào chậm và sâu, đẩy tay nâng nửa thân người phía trên lên, ưỡn đầu và ngực tối đa để phần trên rốn trở lên được nâng lên. Ở tư thế này, bàn chân được duỗi căng hết mức, mũi bàn chân không nhấc khỏi sàn, cột sống thắt lưng cong ưỡn về phía trước. Thời gian làm động tác này khoảng 5 giây.

+ Nhìn lên trần, nhịn thở, giữ ở tư thế này khoảng 5 giây.

+ Từ từ thở ra chậm và hạ đầu xuống dần, tựa má xuống sàn. Thời gian làm động tác này khoảng 5 giây.

+ Toàn thân thả lỏng, thư giãn, thở đều khoảng 5 giây rồi lặp lại bài tập trên 10 lần.

Bài tập 4 (cầu vồng)

Nằm ngửa trên sàn, hai tay xuôi theo người, bàn tay úp xuống mặt sàn, hai chân duỗi thẳng khép sát nhau, thở đều.

+ Co hai chân để hai cẳng chân vuông góc với mặt sàn, từ từ hít vào và nâng mông lên tối đa, chỉ còn hai bả vai, đầu và hai bàn chân tiếp xúc với mặt sàn. Động tác này kéo dài khoảng 5 giây.

+ Giữ ở tư thế hình cầu vồng như trên khoảng 5 giây và nín thở.

+ Từ từ thở ra và hạ mông xuống sát mặt sàn, thời gian làm động tác khoảng 5 giây.

+ Thở đều, duỗi thẳng chân, thả lỏng, thư giãn 5 – 10 giây rồi lặp lại bài tập trên 10 lần.

Bài tập 5 (hình thước thợ)

Không áp dụng bài tập này cho người có hội chứng rễ thần kinh (đau từ thắt lưng lan xuống mông và chân). Nằm ngửa trên sàn, hai tay xuôi theo người, lòng bàn tay úp xuống sàn, hai chân khép sát nhau duỗi thẳng, thở đều.

+ Chân phải duỗi thẳng các ngón chân và bàn chân, chân trái vẫn thả lỏng, bắt đầu hít vào từ từ đồng thời nâng chân phải lên đến khi chân phải thẳng góc với mặt sàn, trong khi các bộ phận khác của cơ thể vẫn giữ nguyên không xoay vặn. Thời gian làm động tác này khoảng 5 giây.

+ Khi chân phải đã ở tư thế thẳng đứng, nín thở và giữ ở tư thế này khoảng 5 giây.

+ Bắt đầu thở ra từ từ và hạ chân phải xuống sàn, thời gian thở ra hết kéo dài khoảng 5 giây.

+ Nằm thư giãn khoảng 5 giây, thở đều rồi bắt đầu tập với chân kia như trên. Mỗi chân tập 5 lần xen kẽ nhau, tổng số 10 lần.

Bài tập 6 (cái ê - ke)

Không áp dụng bài tập này cho người có hội chứng rễ thần kinh (đau từ thắt lưng lan xuống mông và chân). Nằm ngửa trên sàn, hai chân thẳng và khép sát nhau, duỗi thẳng các ngón chân và hai bàn chân.

+ Bắt đầu hít vào từ từ đồng thời nâng cả hai chân ở tư thế duỗi thẳng và khép sát nhau, đến khi hai chân thẳng góc với mặt sàn. Trong lúc nhấc chân lên không làm xoay vặn các phần khác của cơ thể. Thời gian làm động tác này khoảng 5 giây.

+ Khi hai chân đã ở tư thế thẳng đứng, nín thở và giữ ở tư thế này khoảng 5 giây.

+ Bắt đầu thở ra từ từ và hạ hai chân xuống sàn. Thời gian thở ra khoảng 5 giây, kết thúc khi hai chân đặt xuống sàn.

+ Nằm thư giãn, thở đều 5 – 10 giây rồi lặp lại bài tập trên 10 lần.

Bài tập 7 (ôm gối)

Nằm ngửa trên sàn, hai tay xuôi theo người, bàn tay úp xuống sàn, thở đều.

+ Từ từ hít vào và nâng đầu gối bên phải lên, áp đùi vào ngực. Bàn tay phải đỡ phía trước cổ chân phải, bàn tay trái giữ đầu gối phải, ngón cái của các bàn tay không đối diện với các ngón khác mà cùng phía với nhau, ép đùi sát vào ngực, cẳng chân sát vào đùi, lưng vẫn giữ thẳng và sát mặt sàn. Động tác trên kéo dài khoảng 5 giây.

+ Giữ ở tư thế trên khoảng 5 giây và nín thở.

+ Từ từ thở ra và đưa chân phải và hai tay về vị trí ban đầu. Động tác này kéo dài khoảng 5 giây.

+ Nằm thư giãn khoảng 5 giây, thở đều rồi tập với chân trái. Mỗi chân tập 5 lần xen kẽ nhau, tổng số 10 lần.
Tập 4 bài (bài một đến bài bốn) trong tháng thứ nhất, đến tháng thứ hai tập thêm các bài tập năm, sáu và bảy.

1.2. Các bài tập ở tư thế đứng
Bài tập 8

Đứng trên sàn ở tư thế thẳng, hai tay xuôi theo người, thở đều.

+ Bước chân phải lên trước cách mũi chân trái 60 cm, hai bàn tay chống lên bờ xương chậu, thở đều.

+ Từ từ hít vào, chùng chân phải để gối gập trên 90o, chân trái duỗi thẳng, ưỡn lưng và ngửa đầu tối đa. Thời gian làm động tác này khoảng 5 giây.

+ Nín thở và giữ ở tư thế trên khoảng 5 giây.

+ Từ từ thở ra và duỗi thẳng chân phải, đưa đầu và nửa thân người phía trên về tư thế thẳng. Động tác này kéo dài khoảng 5 giây.
+ Kéo chân phải về sát chân trái, trở về tư thế đứng thẳng ban đầu, hai tay xuôi theo người, thở đều, thư giãn 5 – 10 giây rồi làm lại

động tác trên với chân trái. Mỗi chân tập 5 lần xen kẽ nhau, tổng số 10 lần.

Bài tập 9

Đứng trên sàn như bài tập 8, hai chân mở bằng vai, hai bàn tay đặt lên bờ trên xương chậu.

+ Từ từ hít vào, ưỡn cong cột sống thắt lưng về phía trước, nửa người trên từ rốn tới đầu ngửa tối đa. Động tác này kéo dài khoảng 5 giây.

+ Giữ ở tư thế trên và nín thở khoảng 5 giây.

+ Từ từ thở ra, đưa thân người phía trên và đầu về tư thế thẳng đứng, hai bàn tay vẫn đặt ở bờ trên xương chậu. Động tác này kéo dài khoảng khoảng 5 giây.

+ Thả hai tay xuống, thư giãn ở tư thế đứng, thở đều 5 – 10 giây rồi lặp lại bài tập trên 10 lần.

2. Các bài tập làm vững cơ thành bụng

Các bài tập này được áp dụng vào tháng thứ hai, tháng thứ nhất tập các bài tập một đến bốn.

Bài tập 10


Nằm ngửa trên sàn, hai tay xuôi theo người, bàn tay úp xuống sàn, hai chân khép sát nhau duỗi thẳng, thở đều.

+ Duỗi thẳng bàn và các ngón chân phải, từ từ hít vào và nâng chân phải lên khi tạo với mặt sàn một góc 45o thì dừng lại. Chân trái và thân người vẫn giữ nguyên và áp sát mặt sàn. Động tác này kéo dài khoảng 5 giây.

+ Nín thở, giữ chân phải thẳng ở tư thế nâng 45o trong thời gian khoảng 5 giây.

+ Từ từ thở ra và hạ chân phải xuống mặt sàn, trở về tư thế ban đầu. Động tác này kéo dài 5 giây.

+ Nằm ở tư thế ban đầu, thở đều và thư giãn 5 - 10 giây rồi lặp lại với chân trái. Mỗi chân tập 5 lần, tổng số 10 lần.

Bài tập 11

Nằm ngửa trên sàn, hai tay xuôi theo người, bàn tay úp xuống sàn, hai chân khép sát nhau duỗi thẳng, thở đều.

+ Duỗi thẳng bàn chân và các ngón chân, từ từ hít vào và nâng hai chân lên khi tạo với mặt sàn một góc 45o thì dừng lại, hai chân vẫn duỗi thẳng và khép sát nhau. Động tác này kéo dài khoảng 5 giây.

+ Nín thở, giữ hai chân ở tư thế trên khoảng 5 giây.

+ Từ từ thở ra và hạ hai chân xuống mặt sàn, trở về tư thế ban đầu. Làm động tác này trong khoảng 5 giây.

+ Nằm thư giãn và thở đều khoảng 5 – 10 giây sau đó lặp lại bài tập trên 10 lần.

Bài tập 12 (cánh cung)

 

Nằm sấp, hai tay xuôi dọc hai bên thân, hai chân duỗi và khép sát nhau. Thả lỏng hoàn toàn các cơ lưng, nâng cằm lên trong khi gập hai gối, duỗi thẳng hai bàn chân, hai tay nắm lấy hai cổ chân, ngón cái không đối diện mà cùng phía các ngón khác.

+ Chỉ dùng lực của hai chân để thực hiện động tác, hai tay thụ động dùng để nối liền hai vai và cổ chân như một dây cung. Căng mạnh các cơ đùi và bắp chân, kéo mạnh bàn chân ra sau. Trong cả quá trình làm động tác cơ lưng phải thả lỏng, nếu cơ lưng mà căng thì động tác không thực hiện được. Cuối động tác, đầu gối phải được nâng cao hơn cằm, đúng nhất phải ngang đỉnh đầu. Xương mu không chạm sàn, trọng lượng của cơ thể nằm ở vùng mũi ức thì hiệu quả mới tốt, nội tạng mới được xoa bóp mạnh.

+ Khi toàn thân ở vị trí hình cánh cung thì bắt đầu dao động đung đưa trước-sau như cưỡi ngựa gỗ. Lúc đầu du đưa nhẹ sau tăng dần, lần lượt bụng rồi đến ngực và kết thúc là đùi chạm sàn. Có thể làm từ 5 – 10 dao động, khi dao động có thể hít vào khi ngẩng đầu lên, thở ra khi đầu dao động xuống hoặc thở theo nhịp bình thường.

+ Cuối cùng duỗi chân ra sau để từ từ trở về vị trí ban đầu, nghỉ và thư giãn 10 – 15 phút.

Bài tập này có nhiều tác dụng phối hợp, tốt cho nội tiết và tiêu hóa, hạn chế thoái hóa đĩa đệm, duy trì mật độ khoáng của xương, chống loãng xương, làm mạnh các cơ đùi, bụng. Tác động mạnh lên đám rối dương gây hoạt hóa thần kinh thực vật, chống được béo phì và làm giảm dần lớp mỡ dưới da bụng.

 

Nguồn: PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm - BV 103

Bệnh đậu mùa Khỉ là gì?

Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh hiếm gặp do virus đậu mùa khỉ gây ra, bệnh cùng họ với bệnh đậu mùa, mặc dù đậu mùa khỉ thường ít nghiêm trọng.

Nhiều nghiên cứu đã khẳng định, tiêm phòng vaccine đậu mùa được chứng minh đạt 85% hiệu quả phòng chống lại bệnh đậu mùa khỉ.

🟤Các triệu chứng của đậu mùa khỉ và diễn biến có thể gặp trên người:

- Các triệu chứng ban đầu của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, nhức đầu, đau cơ, sưng tấy, đau lưng.

- Các vết phát ban và tổn thương sau đó thường nổi lên trên mặt, bàn tay, bàn chân, mắt, miệng hoặc bộ phận sinh dục trong vòng 1 đến 5 ngày.

- Các nốt phát ban đó biến thành những nốt sần nổi lên và sau đó là mụn nước, có thể chứa đầy chất dịch màu trắng trước khi vỡ ra và đóng vảy.

️WHO cũng cho biết rằng, không cần phải tiêm chủng hàng loạt để chống lại sự gia tăng đột biến trong các trường hợp mắc bệnh. Tuy nhiên, với tốc độ bùng phát và chưa rõ nguyên nhân của nó, cơ quan y tế công cộng kêu gọi mọi người thực hiện vệ sinh tốt và quan hệ tình dục an toàn để giúp kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh đậu mùa khỉ.

🚧Các khuyến nghị từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, Dịch vụ Y tế Quốc gia của Vương quốc Anh và WHO phòng bệnh đậu mùa khỉ bao gồm:

  1. Tránh tiếp xúc với những người gần đây được chẩn đoán nhiễm virus hoặc những người có thể đã bị nhiễm bệnh.
  2. Đeo khẩu trang nếu bạn tiếp xúc gần với người có triệu chứng.
  3. Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục và theo dõi các triệu chứng nếu nghi ngờ mắc bệnh.
  4. Tránh tiếp xúc với động vật có thể mang virus. Điều này bao gồm động vật bị bệnh hoặc chết, đặc biệt là những động vật có tiền sử nhiễm bệnh này như khỉ, động vật gặm nhấm, chó. 5. Thực hành tốt vệ sinh tay.
  5. Sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân.
  6. Chỉ ăn thịt đã nấu chín kỹ.

 Nguồn: Bộ Y tế.

 

Page 6 of 12

Bệnh Viện Phục Hồi Chức Năng Lâm Đồng